Vương hậu nước Anh Catherine_xứ_Aragon

Tái hôn với Henry VIII

Bản khắc gỗ lễ đăng quang của Henry và Catherine, thế kỉ thứ 16.Phù hiệu riêng của Catherine khi là Vương hậu của nước Anh. Biểu tượng trái lựu là từ gia đình Trastámara.

Sau cái chết của Quốc vương Henry VII, người thừa kế của ông - Henry, Thân vương xứ Wales - thuận lợi lên ngôi, tức Quốc vương Henry VIII của Anh. Ngay khi kế vị, Henry VIII đã nghĩ hôn nhân giữa mình cùng Catherine nên diễn ra như đã dự định thay vì "Hiệp ước Windsor" vội vàng với nhà Habsburg dưới thời cha ông. Vào đầu tháng 6 năm 1509, Henry VIII hủy hôn ước với Eleanor của Áo và cầu hôn Catherine, và bà đã đồng ý. Lễ thành hôn diễn ra vào ngày 11 tháng 6 năm 1509, khoảng 7 năm sau cái chết của Arthur và chỉ tầm 2 tháng sau khi Henry VIII kế vị (ông kế vị ngày 22 tháng 4 cùng năm)[45]. Buổi lễ được diễn ra khá riêng tư tại một nhà thờ thuộc Dòng Phan Sinh ở bên ngoài Cung điện Greenwich[46][45].

Vào ngày 23 tháng 6 cùng năm, triều đình Anh chuẩn bị lễ đăng quang cho Quốc vương và Vương hậu, theo thông lệ thì cả hai sẽ qua đêm cùng nhau ở Tháp London. Sang ngày hôm sau, 24 tháng 6, là ngày Chủ nhật và cũng là Hạ chí, Henry và Catherine đều được sức dầu thánh và trao Vương miện cùng nhau tại Tu viện Westminster, bởi Tổng giám mục Canterbury tên William Warham. Sau buổi lễ đăng quang, triều đình tổ chức một biểu tiệc linh đình tại đại sảnh của Cung điện Westminster, kèm theo đó là hàng loạt người được phong Hiệp sĩ để chức mừng đôi Vương-Hậu mới của Vương quốc Anh. Khi đó, Catherine đã 23 tuổi, còn Tân vương Henry VIII thì mãi 4 ngày sau mới vừa tròn 18 tuổi. Khẩu hiệu của bà là 「"Humble and Loyal"」, nghĩa là "Khiêm nhường và trung thành".

Sir Thomas More đã nhận xét về Catherine khi gửi thư cho Tân vương rằng:「"Đức bà là hậu duệ của những vị Quân chủ vĩ đại, và bà sẽ là mẹ của những vị Quân chủ cũng vĩ đại như tổ tiên của bà. Vị Vương hậu trẻ và đúng tuổi tráng kiện sẽ sinh cho Đức ngài một nam duệ, một kết quả của liên minh bền vững không thể đứt gãy, và được bảo hộ bởi cả hai bên!"」[47]. Buổi lễ đăng quang của bà tốn £1.500, ít hơn £200 so với Quốc vương. Cũng do Lady Margaret Beaufort - bà nội của Henry VIII - qua đời ngay sau đó, Catherine cũng trở thành "Đệ nhất phu nhân" đúng nghĩa trong triều, không mẹ chồng lẫn bà nội chồng[48]. Bà được hâm mộ bởi dân chúng không chỉ vì mái tóc nâu vàng, nước da trắng hồng cùng thân hình mảnh mai, mà bà còn được chú ý vì Đức tin cũng như sự ngoan đạo của mình. Và dù bây giờ đã sống trong phú quý cùng sự tán dương, Catherine vẫn không quên 7 năm chịu khổ từ khi Arthur qua đời đến khi Henry VIII đăng quang và cưới bà, cho nên bà càng thể hiện Đức tin dành cho Chúa, tạ ân điển giúp bà vượt qua thời gian quá khó khăn mà không phải vị Công chúa nào của Châu Âu dễ nếm phải và vượt qua[49].

Những lần sinh nở

Cuộc sống hôn nhân của Catherine vào thời kỳ này rất hạnh phúc. Những khi bà không phải tham gia những sự kiện chính thức, bà dành thời gian để may và thêu áo trong của Henry VIII. Tình cảm mặn nồng khiến Henry VIII - lúc đó chỉ gần 20 tuổi - rất thường xuyên tìm cơ hội cùng bà quan hệ chăn gối. Đây là một chuyện mà ông cảm thấy vừa thỏa mãn nhu cầu tình dục, cũng vừa "nhân tiện" có con nối dõi. Ông tán thưởng và yêu quý Catherine, nhận xét:「"Cô ấy không hề già, xấu hay kém hấp dẫn tí nào"」[50].

Trong cuộc hôn nhân hơn 20 năm với Quốc vương Henry VIII, Catherine xứ Aragon có 6 lần mang thai[51]:

  • Lần thứ nhất là từ tháng 8 năm 1509, 2 tháng sau hôn lễ, và bà hạ sinh ra một cô con gái chết non vào ngày 31 tháng 1 năm 1510.
  • Đến tháng 5 năm 1510, 4 tháng từ khi mất đi đứa con đầu lòng, Catherine mang thai, và bà hạ sinh Henry, Công tước xứ Cornwall vào ngày 1 tháng 1 năm 1511, khiến Henry VIII vui mừng khôn xiết. Đứa bé được gọi là "Little Prince Hal" hay "The New Year's Boy" bởi lịch sử. Một loạt họng súng đã được khai hỏa, chúc mừng đứa con trai đầu lòng của Quốc vương. Khoảng 5 ngày sau khi sinh, vào ngày 6 tháng 1 cùng năm, Henry được làm lễ rửa tội tại Cung điện Richmond. Lễ rửa tội của đứa bé này cực kỳ lộng lẫy, những cột đèn beacon được thắp sáng, quà mừng có một bộ ly đựng muối nặng tới 99 ounce được gửi từ Quốc vương Louis XII của Pháp, một cha đỡ đầu của đứa bé[52]. Vì để kỉ niệm, Henry VIII đã tổ chức một đoàn diễu hành đến Westminster cực kỳ lớn và xa hoa, là hành động điên rồ và xa xỉ nhất mà Henry VIII từng làm trong đời mình. Buổi lễ này được vẽ lại trên một cuộn tranh làm bằng giấy da bê được gọi là 「The Westminster Tournament Roll」. Nhưng niềm hi vọng nhỏ này của Henry và Catherine chỉ sống đến ngày 22 tháng 2 năm ấy, qua đời khi chỉ mới 52 ngày tuổi. Nguyên nhân cái chết đến nay vẫn chưa được rõ, và đứa bé được đúc một bức tượng tại Tu viện Westminster.
  • Một phần của bức tranh The Westminster Tournament Roll, buổi lễ xoa hoa và phung phí nhất mà Henry VIII từng làm trong suốt cả cuộc đời mình
  • Đầu năm 1513, Catherine lại mang thai, lúc này Henry VIII đang ở Pháp và Catherine có nghĩa vụ nhiếp chính, bảo vệ nước Anh khỏi Scotland. Đến ngày 17 tháng 9 năm ấy, Catherine hạ sinh một đứa bé trai, và cũng như những người con trước, đứa con trai này của Catherine cũng nhanh chóng qua đời sau vài ngày được sinh ra.
  • Tháng 6 năm ấy (1513), Catherine lại mang thai, và vào tháng 11 năm 1514, bà sinh hạ một đứa bé trai chết yểu[53].
  • Mùa hè năm ấy, sau tầm 5 tháng mất đi đứa con nhỏ, Catherine thông báo mình mang thai lần thứ 5, lần này thì ít ai kì vọng vào người thừa kế, vì những lần sinh nở thất bại của Catherine khi trước. Ngày 18 tháng 2 năm 1516, tại Cung điện Greenwich ở Kent, Catherine sinh hạ một bé gái, ấy là Mary I của Anh. Khoảng 3 ngày sau (ngày 21 tháng 2), Mary được làm lễ rửa tội hết sức hoành tráng tại Nhà thờ dòng Phan Sinh. Mặc cho nhiều sự thất vọng được ghi nhận, Fraser ghi lại Quốc vương Henry VIII lúc đó rất vui, ông nghĩ rằng nếu là một đứa bé gái khỏe mạnh, thì lần sau nhất định sẽ là một đứa con trai[54].
  • Đến tháng 2 năm 1518, Catherine mang thai lần thứ 6, và cũng là lần cuối cùng trong đời bà. Vào tháng 3 năm đó, bà đến Trường đại học Merton ở Oxford, làm lễ hành hương đến Miếu thờ của St Frideswide, cầu nguyện mình mang một đứa con trai khỏe mạnh. Ngày 10 tháng 11 năm ấy, Catherine sinh hạ một bé gái, và đứa bé này quá yếu nên chết non chỉ sau vài giờ.

Ngoài ra, Catherine thực tế có khi còn nhiều lần mang thai hơn, 6 lần ở trên chỉ là 6 lần có thể sinh được, dù đứa trẻ sinh ra cũng không sống lâu. Sử học gia J. J. Scarisbrick trong cuốn sách Henry VIII (1968) ghi rằng:「"... several miscarriages, three infants who were either stillborn or died immediately after birth (two of them males), two infants who died within weeks of birth (one of them a boy) and one girl, Princess Mary"」 , trong đó "several miscarriages" là vài lần sẩy thai, mà several là một từ ước lượng số tuy không chỉ con số cụ thể nhưng phải ít nhất 3 trở lên, như vậy đem tổng số lần Catherine mang thai phải ít nhất 9 lần. Hester W. Chapman trong cuốn sách Anne Boleyn (1974) chỉ ra Catherine mang thai khoảng 7 lần. A. F. Pollard trong cuốn Henry VIII (1925) cho biết, vào khoảng năm 1517, Catherine đã mang thai nhưng bị sẩy thai. Tuy nhiên John Bowle trong cuốn Henry VIII (1964) bác bỏ cái việc sẩy thai năm 1517 mà A. F. Pollard đề cập, và điều này được Sir J. E. Neale - một nhà sử học chuyên về thời Nữ vương Elizabeth I - đồng thuận tán thành.

Những lần mang thai liên tục ngay sau khi sẩy thai hoặc sinh non mà không có thời gian chữa trị, cộng thêm ngày càng lớn tuổi, là những nguyên nhân được coi là nguyên nhân cốt yếu khiến Catherine không thể mang thai những đứa trẻ khỏe mạnh. Và việc mang thai không ngừng này có lẽ không phải từ phía nhận thức y học kém, mà là do Henry VIII quá nôn nóng có một đứa con trai, dẫn đến chính ông đã tự hủy hoại vợ mình. Những lần sinh này khiến Catherine tăng cân, khoảng cách tuổi tác của hai người ngày càng rõ rệt và đến năm 1519 thì bà bị gọi là 「"The King's old deformed wife"」[55].

Sự ảnh hưởng

Tiểu họa Catherine cùng chú khỉ, như một biểu tượng Exoticism trong hội họa.

Triều đình của Catherine có 160 người, trong đó 8 người là từ Tây Ban Nha. Người có sức ảnh hưởng đến Catherine là María de Salinas, kém bà 5 tuổi, một người có Đức tin trung thành rất được Catherine lẫn Henry VIII xem trọng. Theo thông lệ, María sẽ cưới quý tộc bản địa Anh để biểu trưng sự trung thành, và bà cưới điền chủ lớn nhất LincolnshireWilliam Willoughby, Nam tước Willoughby thứ 11 xứ Eresby, họ sinh ra Katherine, vợ kế của Charles Brandon, Công tước xứ Suffolk thứ nhất.

Vào ngày 11 tháng 6 năm 1513, Henry VIII đã ủy nhiệm Catherine trở thành nhiếp chính của nước Anh khi ông phải đến nước Pháp tiến hành chiến dịch quân sự. Địa vị của Catherine, đầy đủ là 「Governor of the Realm and Captain General」, nghĩa là "Người có quyền Quản lý toàn quốc, kiêm nhiệm Đại đô thống", chính điều này đã cho phép Catherine nắm đại quyền lớn nhất của Vương quốc Anh[56]. Thời gian này, Catherine rất lo lắng cho Henry VIII, vì ông không phải là người thích viết thư nên những gì ông cần nói đều truyền đạt lại qua Thomas Wolsey. Mỗi khi không bận tâm về chồng, Catherine thể hiện mình là một nhiếp chính tài ba. Lúc này bà đã thành thạo tiếng Anh, như việc bà thành thạo về tiếng Latinh cùng tiếng Pháp vậy. Khi Công tước Louis I d'Orléans bị bắt tại Thérouanne, Henry VIII đã gửi ông ta đến chỗ của Catherine, nhưng bà đã chỉ định Thomas Wolsey giam cầm vị Công tước người Pháp vào tháp London để đối phó với quân đội Scotland đang nhăm nhe ở phương Bắc. Vào lúc ấy, nước Anh đang mạnh mẽ, trong khi nước Anh không đủ tài lực để đối phó, chính Catherine phải viết với Wolsey rằng:「God to sende us as good lukke against the Scotts, as the King hath ther」[57]. Bà bận rộn điểm danh quân đội tại Lâu đài Richmond, sang ngày 3 tháng 9, Catherine chỉ định Thomas Lovell triển khai thúc quân chống lại quân đội Scotland[58].

Sau khi điều động Thomas Lovell, đích thân Catherine đã trang bị áo giáp, cưỡi ngựa và phía Bắc[59]. Trận Flodden Field diễn ra, quân Anh chiến thắng, tin báo về đến Catherine khi bà ở gần Buckingham, cách London tầm 160 km về phía Bắc[60]. Từ Tu viện Woburn, Catherine gửi tin báo mừng chiến thắng cho Henry, kèm theo áo choàng dính đầy máu của Vua James IV của Scotland - người đã tử trận trong cuộc chiến, và Henry đã dùng nó như một chiến lợi phẩm trong cuộc vây hãm thành Tournai[61].

Bất chấp những thất bại sinh nở, tình trạng thừa cân cùng già nua, Catherine vẫn duy trì nụ cười, điều này có liên hệ đến việc bà theo chủ nghĩa nhân đạo. Quan niệm về tôn giáo của Catherine ảnh hưởng khắp nước Anh, khi bà là thành viên của hội Thánh Phanxicô thành Assisi, càng trở nên già đi bà càng hết lòng vì tôn giáo và làm từ thiện, việc này kéo dài từ khi bà làm Vương hậu và cứ duy trì mãi, thậm chí là sau khi bà đã ly hôn về sau này[62]. Những nghiên cứu học thuật hàn lâm về tôn giáo của bà rất được đánh giá cao và ngày càng trở nên rộng rãi, khi bà dành tâm huyết giáo dục con gái Mary và kiến thức mà bà có đều vượt xa Henry VIII - người chỉ thích đòi hỏi quyền được hưởng thụ[63]. Những Thị tùng trong đoàn tùy tùng của bà nhận được một sự giáo dục tôn giáo dồi dào, và Catherine cũng tự huy động được tiền tài để tích góp cho các trường đại học - những ngôi trường học thuật chỉ chuyên nghiên cứu về thần học của Công giáo vào thời điểm ấy. Và dù là người Công giáo, nhưng Catherine tin rằng tôn giáo cũng chỉ là những cầu khẩn và thành tâm, hơn là những vật chất xa hoa trong những ngày thánh lễ hoành tráng, những thứ được dùng bởi tiền của dân nghèo. Những ý tưởng này của Catherine về những nhược điểm và sự vận hành của Công giáo La Mã, về sau lại trở thành những luận điểm mà Martin Luther dùng tại Wittenberg khi thuyết giáo công khai, tạo thành cơ sở cho việc hình thành phong trào Cải cách Kháng nghị[64]. Khoảng năm 1523, Alfonso de Villa Sancta, một Tu sĩ dòng Observant, một nhánh dòng Phan Sinh, đã đến gặp Catherine, trình bày cuốn De Liberio Arbitrio adversus Melanchthonem lên án Philip Melanchthon, một người ủng hộ học thuyết Kháng Cách của Luther. Và với vai trò như thầy tu nghe lời xưng tội của người Thiên chúa giáo, Alfonso de Villa Sancta đã giới thiệu Catherine cuốn Fidei defensor của mình để bác bỏ những lý luận của Luther[65].

Quốc vương Henry VIII dù quan trọng sự sinh nở, cũng nhiều khi biết ơn tính tôn giáo của bà. Vào ngày 1 tháng 5 năm 1517, bà công khai xin Henry VIII loại 400 người khỏi án tử, và điều này đã khiến bà rất được hân hoan. Điều thiếu duy nhất của bà là sinh hạ người thừa kế là nam - thứ mà Henry VIII khát khao nhất. Sự bận tâm này của Henry VIII cũng là bởi vì nhà Tudor khi ấy vẫn còn mới, dễ dàng phát sinh nội loạn. Thời kỳ hỗn loạn năm xưa cũng chính là khi Quốc vương Henry I của Anh đột ngột mất đi Trữ quân, dẫn đến sự cạnh tranh của con gái ông (Hoàng hậu Matilda) với cháu ông (Stephen của Anh) để tranh đoạt quyền kế vị ngai vàng Anh và dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài. Bên cạnh đó, cuộc Chiến tranh Hoa Hồng chỉ vừa kết thúc chục năm trước, vẫn còn dư âm trong suốt quá trình Henry VIII lớn lên, do đó ông càng mong một đứa con trai để có thể củng cố lâu dài cho ngai vàng nhà Tudor.

Vấn đề hôn nhân và chính trị

Hoàng đế Karl V của Thánh chế La Mã. Ông là người cháu gọi bằng dì của Catherine.

Vấn đề không sinh hạ người thừa kế của Catherine chỉ là một nửa lý do khiến ông ngày càng chán nản bà, một nửa còn lại đều nằm ở vấn đề chính trị, vì bà là dì của Hoàng đế Karl V của đế quốc La Mã Thần thánh, con trai của chị của Catherine là Juanna la Loca. Xuất thân là một người nhà Habsburg, do vậy Karl là người nắm giữ nhiều lãnh địa phụ quốc bao gồm Đại Công quốc Áo, Burgundy, Tây Ban Nha và là thế lực lớn nhất tại Châu Âu lục địa khi ấy.

Mọi chuyện bắt đầu khi Catherine mang thai lần cuối cùng của đời mình vào năm 1518, lúc này bà cùng Henry VIII đang sắp xếp hôn nhân giữa con gái 2 tuổi, Mary, cùng con trai của Francis I của Pháp, Dauphin François, vừa sinh ra vào ngày 28 tháng 2 cùng năm. Hiệp ước được ký vào ngày 4 tháng 10 năm đó. Catherine không vừa ý lắm vì con gái sẽ kết hôn vào gia tộc đối địch xưa nay của gia đình bà, nhưng nhìn chung bà vẫn chấp nhận. Và vào tháng 11 năm đó, bà sinh một cô con gái chết non. Lần mang thai và sẩy thai này khiến tình cảm hôn nhân giữa bà cùng Henry VIII bước vào quá trình đổ vỡ, khi nhà Vua liền tìm tình nhân để giải khuây và sủng hạnh Elizabeth Blount, một Thị tùng của Catherine, con gái một quý tộc bản địa Anh là Sir John Blount. Vào tháng 6 năm 1519, Elizabeth sinh hạ một đứa con trai, người được đặt tên là Henry Fitzroy và về sau rất có địa vị trong triều, vượt trên cả Công chúa Mary[66][67].

Thực tế, việc Elizabeth thu hút Vua Henry xảy ra từ khoảng năm 1514, vào những lúc Catherine đang mang thai, bên cạnh đó cũng không chỉ mình Elizabeth Blount "phục vụ" nhu cầu này giúp nhà Vua mà còn nhiều người đàn bà khác nữa, mà phần lớn đều không công khai hoặc là tin đồn. Vào thời điểm ấy, đây là chuyện được nhìn nhận là khá bình thường, khi Vương hậu mang thai và không thể giải quyết nhu cầu sinh lý mạnh của Henry, thì nhà Vua sẽ tìm tình nhân[54]. Bên cạnh Elizabeth, cũng có những phụ nữ làm tình nhân của ông trong thời gian này, gồm Jane Popincourt - phó mẫu cho em gái ông là Mary.

Thế nhưng mãi đến năm 1518, Henry VIII mới cật lực cùng Elizabeth quan hệ kéo dài, và sau khi Catherine vừa để rơi niềm hi vọng mang thai cuối cùng của mình, kết quả chính là Henry FitzRoy. Cái họ [FitzRoy] của Henry, có nghĩa là "Con trai của nhà Vua", và đây là đứa con trai ngoài giá thú duy nhất mà Quốc vương Henry VIII công nhận trong số những đứa con dính nghi kị của các tình nhân khác của ông, mà nổi tiếng nhất là hai người con họ Carey của Mary Boleyn. Sau sự việc, Elizabeth được sắp xếp kết hôn với Gilbert Tailboys, Nam tước Tailboys thứ nhất xứ Kyme. Và dù đã sinh một người con trai được chính Henry VIII công nhận, Elizabeth Blount vẫn duy trì sự ẩn dật của mình, không có hoạt động chính trị hay ảnh hưởng gì tại triều đình, cho nên đối với Catherine thì cũng không thành vấn đề gì lớn.

Henry VIII và Catherine tại sự kiện Camp du Drap d'Or.

Năm 1520, Hoàng đế Karl V đến nước Anh để thăm dì của mình, sau khi ông thành công thừa hưởng tước vị Hoàng đế La Mã Thần thánh sau cái chết của ông nội, Maximilian I. Trong dịp này, Catherine đề nghị một liên minh giữa Anh và Thánh chế La Mã, hơn là với Pháp. Sau đó vào ngày 7 tháng 6, Catherine cùng chồng mình được mời đến Pháp, dự một buổi tiệc cực kỳ xa xỉ của Quốc vương Francis I được gọi là Camp du Drap d'Or, cả hai dự định liên minh để chống lại Đế quốc Ottoman ở phía Đông, song lại không có hi vọng gì sau sự chạm trán đầy khó chịu giữa hai vị Quốc vương đầy tính cạnh tranh nhau về sự tiêu pha của mình. Một phần vì Francis đã nghe chuyện Hoàng đế Karl V đến gặp mặt Henry từ trước tại nước Anh và điều này khiến Francis tỏ ra nghi ngờ.

Buổi tiệc tốn 1 phần 7 số tiền Vương thất Anh kiếm được trong một năm, với 4,000 người và 2,000 ngựa phục vụ tháp tùng cho Quốc vương Henry VIII, còn 1,000 người và 8,00 ngựa phục vụ Vương hậu Catherine. Sau khi kết thúc vào ngày 24 tháng 6, hai vợ chồng về đến Calais, tại đây họ gặp tiếp Hoàng đế Karl V để bàn bạc kỹ về hôn nhân trong tương lai giữa Công chúa Mary với Hoàng đế Karl V. Những năm sau, Hoàng đế Karl V đi vào cuộc chiến tranh với Pháp, sau khi nhà Habsburg có được liên kết với Burgundy thông qua Mary của Burgundy - bà nội của Hoàng đế Karl V. Sự liên kết khiến liên minh giữa Anh và La Mã tiến vào thỏa thuận, lúc này hôn nhân giữa Henry VIII cùng Catherine tuy có rạn nứt vì chuyện FitzRoy, nhưng Henry VIII vẫn không có ý nghĩ hủy hôn vì năm 1519 cho thấy ông mua một phần mộ đôi trị giá £2.000 và định sẽ dùng như mộ chung của hai vợ chồng[68][69].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Catherine_xứ_Aragon http://bartleby.com/344/83.html //books.google.com/books?id=FiXjKTkR0QYC&pg=PA32 //books.google.com/books?id=SS8skdljd44C&pg=PA223 http://www.historyonthenet.com/Chronology/timeline... http://www.katharineofaragon.com/ http://bbs.keyhole.com/ubb/showflat.php?Cat=0&Numb... http://departments.kings.edu/womens_history/cathya... //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1139382 //www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/6387336 http://englishhistory.net/tudor/monarchs/aragon.ht...